Menu
logo
Trang chủ / Tin tức / Báo chí nói về chúng tôi

Cần “trợ lực” cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy nội

  Thứ Năm, 30/05/24 lúc 21:04

Để phát triển sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy nội địa, nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trước các sản phẩm tương đương là hàng hóa nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, phòng cháy chữa cháy đang là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp khi liên tục xảy ra những trường hợp cháy để lại hậu quả đáng tiếc. Khi đó, sử dụng các thiết bị, công cụ phòng cháy chữa cháy đạt tiêu chuẩn và hiệu quả là một giải pháp hữu hiệu hiện nay.

Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu về thiết bị phòng cháy chữa cháy, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam lại đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu - Ảnh minh họa

Theo đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế tổng thể và có hệ thống cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị phục vụ, các vấn đề về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... đối với các doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong nước.

Nhiều doanh nghiệp trong nước phản ánh, thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện để sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy còn khá cao, khiến giá thành thiết bị phòng cháy chữa cháy được sản xuất trong nước bị đẩy lên. Trong khi đó, thuế xuất nhập khẩu của các sản phẩm này thấp hơn rất nhiều. Điều này khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Đáng nói, vòi, van, bình chữa cháy chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, tuy nhiên doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chính sách thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất. Cụ thể, thuế suất nguyên liệu thép nhập khẩu lên đến 32% - đây là nguyên liệu chính để doanh nghiệp sản xuất bình chữa cháy, trong khi chính sách thuế nhập khẩu sản phẩm bình chữa cháy là 0%.

Nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trước các sản phẩm tương đương là hàng hóa nhập khẩu - Ảnh minh họa

Ngoài ra, sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định về môi trường, đã xuất hiện một vấn đề về hạn ngạch nhập khẩu liên quan tới khí chữa cháy HFC (hydrofluorocarbon), thường được dùng trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ôtô, thiết bị dập cháy... Theo đó, khi đơn vị nhập về để sản xuất thì bị kiểm soát về hạn ngạch, trong khi các đơn vị nhập khẩu một sản phẩm hoàn thiện từ Trung Quốc hay các nước khác không bị kiểm soát về hạn ngạch nhập khẩu. Đây là một hạn chế rất lớn, nếu duy trì có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nếu như có các sản phẩm tương đương với hàng hóa nhập khẩu. Cần nâng thuế nhập khẩu với các thiết bị phòng cháy chữa cháy thành phẩm để bảo vệ sản xuất trong nước.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cho biết, ngoài thuế khó khăn về nguyên vật liệu cao, thì thời gian kiểm định sản phẩm hiện quá lâu, thủ tục phức tạp, một lô hàng sản xuất ra phải đợi kiểm định dán tem, dẫn đến việc xoay vòng vốn bị ảnh hưởng, cũng như tăng chi phí.

Lấy dẫn chứng, đại diện Công ty Duhal có nhà máy chuyên sản xuất đèn Exit và đèn sự cố khẩn cấp tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi lô hàng đều bị kiểm định kéo dài 2,3 tháng, trong khi sản phẩm sử dụng pin để lâu sẽ ảnh hưởng.

"Cùng mã hàng, nhiều lúc việc kiểm định trong nước còn khó hơn việc lấy chứng nhận quốc tế. Chúng tôi từng sản xuất cho thị trường châu Âu, Mỹ nhưng họ chỉ kiểm định sản phẩm một lần, hàng năm sẽ có kiểm tra nhà máy, như này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Những quy định hiện nay chúng tôi cho rằng chưa kích thích được các doanh nghiệp trong nước", đại diện Duhal bày tỏ.

Theo vị đại diện này, cần rút ngắn quy định về kiểm định, chỉ cần kiểm tra một lần cho một mã sản phẩm, sau đó doanh nghiệp sẽ buộc phải cam kết duy trì chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cũng cho hay, với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Hiệp hội sẽ đề xuất sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách hiện nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hoạt động sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Công tác sản xuất bình chữa cháy - Ảnh minh họa

Được biết, thời gian qua Hiệp hội đã quan tâm, tập hợp các ý kiến, đề xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến các cơ chế, chính sách về phòng cháy chữa cháy, các vấn đề như thuế, chính sách xuất nhập khẩu...

Đồng thời đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ các vấn đề như xã hội hóa triệt để công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho các đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ  trong nước, góp phần nâng cao chất lượng phương tiện, thiết bị cũng như nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu về phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ  của xã hội.

Ý kiến về: Cần “trợ lực” cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy nội

19008114

170835342785669

4234006295758103658